Các nhà khoa học cảnh báo vaccine hiện nay có thể không hoạt động trên chủng virus đậu mùa khỉ mới – nguồn cơn gây nên đợt dịch lớn ở châu Phi.
Vaccine đậu mùa khỉ hiện nay được thiết kế dựa trên chủng virus Clade II, lây lan toàn cầu năm 2022. Đây là chủng nhẹ hơn, không nguy hiểm bằng phiên bản virus hiện tại là Clade Ib. Các mũi tiêm chưa được thử nghiệm chống lại Clade Ib.
Trên thực tế, đây là vaccine ngăn ngừa đậu mùa, căn bệnh “họ hàng” của đậu mùa khỉ. Do sự tương đồng giữa hai loại virus, các chuyên gia tin rằng nó sẽ có hiệu quả. Họ gọi đây là tác dụng bảo vệ chéo. Tuy nhiên, vì vaccine được triển khai trong thời điểm bùng phát trực tiếp (tức là tiêm sau khi đã bùng dịch), rất khó xác định cụ thể tác động nó mang lại, theo giáo sư Marion Koopmans, giám đốc Trung tâm Đại dịch và Thảm họa, Trung tâm y tế Erasmus (Hà Lan).
Trong đợt bùng phát năm 2022, người đồng tính nam và lưỡng tính (nhóm chính mắc đậu mùa khỉ) đã thực hiện nhiều biện pháp khác để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, bên cạnh tiêm chủng.
“Có một số bằng chứng về hiệu quả lâm sàng của vaccine trong thời kỳ bùng phát. Tuy nhiên, mọi người cũng làm nhiều thứ để tự bảo vệ bản thân. Vì vậy, không dễ để nói rằng vaccine là yếu tố chính giúp bệnh không còn lây lan”, giáo sư Koopmans nói.
Ông và nhiều đồng nghiệp kỳ vọng vaccine vẫn hiệu quả trên chủng mới Clade Ib, song cho rằng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định điều này. Theo giáo sư Dimie Ogoina, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Niger Delta, yếu tố khác thách thức việc triển khai vaccine đậu mùa khỉ ở châu Phi là thứ tự tiêm chủng. Ông nhận định bất kỳ chiến lược vaccine nào đều cần dựa trên các kiến thức dịch tễ học tại khu vực lây nhiễm.
“Tôi không chắc chúng ta đã hiểu đầy đủ về động lực lây truyền và các yếu tố rủi ro đối với đậu mùa khỉ ở các vùng tại châu Phi”, ông nói.
Giống như giáo sư Koopmans, ông Ogoina cũng nhấn mạnh những điều chưa chắc chắn về hiệu quả của vaccine hiện có.
Bên cạnh đó, khác với năm 2022, nhóm tuổi chính mắc bệnh trong đợt bùng phát mới là trẻ em. Các chuyên gia không biết rõ loại vaccine này hoạt động thế nào khi tiêm cho các em nhỏ.
Tuy nhiên, theo giáo sư Placide Mbala Kingebeni, chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng, Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia tại Cộng hòa Dân chủ Congo, tiêm chủng vẫn là công cụ tốt nhất để ngăn ngừa đậu mùa khỉ, tính đến nay. Chủng virus mới đã lây lan sang hơn 10 quốc gia bên ngoài châu Phi, tỷ lệ tử vong là một trên 20 người trưởng thành và một trên 10 trẻ em.
Hôm 15/8, WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu lần 2. Tuyên bố nhằm báo hiệu căn bệnh là nguy cơ lớn về y tế, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều nước để ngăn chặn dịch lây lan xa hơn. Động thái này cũng có thể khiến các quốc gia thành viên đầu tư thêm nguồn lực vào việc kiểm soát đợt bùng phát trước mắt, bổ sung kinh phí nhằm chia sẻ vaccine, phương pháp điều trị.
Đậu mùa khỉ là bệnh do virus, lây lan qua tiếp xúc gần, với các triệu chứng giống cúm và nốt mụn chứa đầy mủ. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, song có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong. Người suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ mang thai, người già có nguy cơ chuyển nặng khi nhiễm virus này.