Ra đời từ năm 2012, Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” đã huy động sức mạnh toàn dân hưởng ứng lời dạy của Bác Hồ, tích cực cải thiện môi trường sống và phòng chống dịch bệnh. Các hoạt động thiết thực của Phong trào không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn là động lực quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.
Cho đến nay, đã 66 năm kể từ ngày bài báo “Vệ sinh yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên báo Nhân Dân ngày 2/7/1958, những lời căn dặn thật giản dị của Người vẫn vẹn nguyên giá trị và có ý nghĩa sâu sắc với công tác chăm lo sức khỏe nhân dân. Theo Bác, công tác vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân là một trong những việc quan trọng hàng đầu: “Phòng bệnh hơn trị bệnh”, “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”…
Kể từ đó, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Người được kế thừa và thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai sâu rộng Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với nhiều nội dung về y tế dự phòng, đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh nhằm hướng tới mục tiêu “Vì một Việt Nam khỏe mạnh và bền vững”.
“Ngày 26/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29 về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó chỉ đạo “Thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, mỗi đơn vị, mỗi người dân”. Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe.
Theo báo cáo kết quả triển khai thực hiện Phong trào, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 57% năm 2012 lên 82% năm 2023; Tỷ lệ người dân biết cần rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh đạt 90,6%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý tại bệnh viện đạt tỷ lệ khoảng 97%; Gần 80% cơ sở cấp nước được kiểm tra, giám sát theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Bên cạnh đó, tỷ lệ các đơn vị trong ngành Y tế phát động và thực hiện công tác truyền thông phong trào “Xây dựng cơ sở y tế Xanh – Sạch – Đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa đạt 100%.
Tình hình ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát. Hiệu quả tích cực của Phong trào trong việc thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và cải thiện nước sạch cho người dân trong cộng đồng đã góp phần giảm tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm liên quan đến vệ sinh và nước sạch từ 2 đến 17 lần như: tiêu chảy, bệnh lỵ trực trùng, bệnh thương hàn, viêm não, bệnh tay chân miệng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 20% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới…
Tại Đăk Nông, đồng chí Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Sau hơn 10 năm thực hiện, phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân đã thể hiện rõ vai trò sứ mệnh của mình, giúp người dân có cái nhìn khác và tích cực hơn về vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng và vệ sinh môi trường. Điều đó được thể hiện qua tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ổn định, số ca bệnh truyền nhiễm hàng năm liên quan đến nguồn nước, tiêu hóa giảm; tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh tăng 16%, tỷ lệ nguồn nước hợp vệ sinh tăng 21%.
Các hoạt động phong trào luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của lãnh đạo chính quyền các cấp ở địa phương và quần chúng nhân dân, qua đó góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh nhà.
Việc đảm bảo cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế luôn được Bộ Y tế và các địa phương đặc biệt quan tâm. Thông qua Chương trình cơ sở y tế Xanh – Sạch – Đẹp, các cơ sở y tế trên cả nước đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc cải thiện môi trường, giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn, nâng cao chất lượng dịch vụ và mang lại sự hài lòng cho người bệnh
Hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước đã cung cấp đủ nước sạch, có nhà vệ sinh sạch sẽ, bố trí cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường, thực hiện phân loại và tái chế chất thải nhựa, quản lý chất thải y tế theo đúng quy định… Những thành quả đó, ngoài việc trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng cơ sở y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, còn tạo ra những tác động tích cực cho cả cộng đồng về công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức. Thực tế, nhận thức và thực hành của người dân về vệ sinh và sử dụng nước sạch còn hạn chế tại một số vùng, miền. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, sự gia tăng dân số nhanh chóng là các tác nhân ảnh hưởng góp phần làm xuất hiện các bệnh mới nổi, gia tăng nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh lưu hành liên quan đến nước sạch và vệ sinh như: tiêu chảy, tay chân miệng, viêm não, sốt xuất huyết… tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Nhiều bệnh truyền nhiễm trong số này có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin và thói quen vệ sinh tốt. Do vậy việc tiếp tục duy trì, triển khai sâu rộng Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân là hết sức cần thiết, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.