Sau đại dịch, sự thay đổi chóng mặt của hành vi du khách khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ngành khách sạn, gặp khó khăn trong việc chuyển mình.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt của hai bên
Theo báo cáo mới nhất của Booking.com, du lịch Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng chuyển dịch đáng kể. Thay vì lựa chọn khách sạn truyền thống, ngày càng nhiều du khách Việt đang tìm kiếm những trải nghiệm nghỉ dưỡng độc đáo và gần gũi với thiên nhiên. Cụ thể, nhà nghỉ biển dẫn đầu với tỷ lệ 51%, tiếp theo là cabin ấm cúng (34%) và farmstay (28%). Xu hướng này càng được củng cố bởi kết quả khảo sát năm 2023, du khách có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm du lịch độc đáo và mới lạ, như những ngôi nhà nhỏ (25%), những căn nhà theo phong cách nông thôn cổ điển (21%), lều trại (20%), nhà gỗ, nhà nghỉ trên tuyết (19%) và nhà nổi (11%).
Chị Trần Thị Hà Linh (cộng tác viên bán tour cho các đại lý tại Hà Nội) xác nhận xu hướng tìm kiếm những căn homestay có thiết kế xinh xinh, độc lạ đang ngày càng thay thế nhu cầu ở khách sạn của du khách. Đặc biệt với hệ thống khách sạn 2 – 3 sao, chỉ có những khách hàng đi theo gia đình đại trà, đến những vùng biển hoặc đảo ít sự lựa chọn cho phân khúc bình dân thì mới đặt phòng khách sạn, hoặc mô hình motel có chi phí thấp hơn hẳn. Còn lại, hầu hết khách mua tour và tư vấn chỗ chị Linh đều muốn tìm kiếm các combo khách sạn 4 – 5 sao giảm giá, hoặc homestay hay những condotel thuê nguyên căn.
“Từ sau đợt khủng hoảng dịch bệnh, rất nhiều khách sạn tầm 4 – 5 sao thường xuyên có nhiều chương trình khuyến mãi theo dạng combo, giảm giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần, rất phù hợp túi tiền của du khách. Cùng giá đó, ngày trước họ chỉ có thể ở khách sạn 2 – 3 sao nên giờ khách rất thích. Hoặc với khách chọn homestay thì thường là những người ưu tiên không gian “chill chill” chụp hình “sống ảo”. Họ sẽ không quá đặt nặng vấn đề vệ sinh phòng ốc hằng ngày hay có đủ tiện nghi như trong khách sạn”, chị Hà Linh thông tin.
Những ví dụ mà chị Hà Linh dẫn ra cũng là một trong những nguyên nhân mà ông T.Đ.T (chủ một chuỗi khách sạn, nhà hàng tại TP.HCM) cho rằng đang đẩy nhiều khách sạn 2 – 3 sao vào tình cảnh phá sản, rao bán hàng loạt. Theo ông T., những năm trước dịch, du lịch VN đã trải qua giai đoạn phát triển “nóng”. Hệ thống khách sạn “mọc lên như nấm”, đặc biệt tại các TP biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…
Tính sơ qua, tổng số cơ sở lưu trú tại Nha Trang đạt hơn 60.000 phòng, đồng nghĩa nếu chỉ tính 1 phòng 1 người thì để đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, Nha Trang phải đón ít nhất hơn 60.000 khách mỗi ngày. Thế nhưng tính trong dịp cao điểm gần nhất là lễ 2.9 vừa qua, tổng lượng khách cả quốc nội và quốc tế đến TP biển cũng mới chỉ đạt trung bình trên 40.000 khách/ngày. Phú Quốc cũng vậy, tổng lượng phòng ở đảo ngọc ước tính khoảng 30.000, hiện cùng lắm mỗi ngày sân bay Phú Quốc đón khoảng 15 – 17 chuyến bay, giải quyết được đâu đó 5.000 – 6.000 phòng, thêm dôi dư cả khách đi tàu thì lấp đầy được khoảng 7.000 phòng. Hạ tầng du lịch bất động sản hiện hữu đủ năng lực để phục vụ khoảng 20 – 30 triệu khách quốc tế và ít nhất 150 triệu khách nội địa nhưng thực tế số lượng còn kém xa.
“Có thể thấy, tuy du lịch đã khởi sắc, tổng lượng khách quốc tế đến VN cũng như khách VN đi du lịch nội địa giai đoạn vừa rồi có tăng lên nhưng vẫn chưa đủ cân bằng được với lượng phòng hiện có. Chưa kể, lượng phòng dư lớn nên các khách sạn cũng phải giảm giá để cạnh tranh. Hạng phòng 5 sao thì bán giá bằng 4 sao, mùa thấp điểm ế quá thì giảm xuống giá chỉ bằng hạng 3 – 2 sao, buộc các khách sạn bình dân cũng phải giảm giá theo. Cứ thế, kéo chung tất cả xuống, khách sạn 2 – 3 sao thì ế, khách sạn cao cấp hơn thì không cân đối được chi phí với doanh thu. Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đang gặp rất nhiều vấn đề”, ông T.Đ.T chỉ rõ.
Du lịch đang trong quá trình hồi phục chậm
Đánh giá tổng quan ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp, nhìn nhận dựa trên lượng khách vào/ra từ thực tế các doanh nghiệp thì tốc độ phát triển của ngành đang khá khả quan. Lượng khách vào đông hơn, tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề khiến hệ sinh thái phục vụ du lịch như lưu trú, nhà hàng, mua sắm… vẫn chưa thể phục hồi.
Nguyên nhân đầu tiên là do khách đông nhưng chất lượng không cao, thể hiện qua sức mua giảm. Dư âm từ “cơn địa chấn” Covid-19 kéo dài theo những cuộc khủng hoảng kinh tế, xung đột… đã khiến sức chi tiêu của du khách giảm mạnh. Họ không còn khả năng để mua những tour giá cao, những dịch vụ cao cấp. Như du lịch tàu biển, trước dịch là loại hình hạng sang và rất sang, chỉ có khách “đại gia”, khách nhà giàu mới có thể trải nghiệm. Thế nhưng, giờ gần như ai cũng đi được du lịch tàu biển vì giá hạ rất sâu, chỉ còn bằng hơn một nửa giá trước dịch. Tương tự với lưu trú, khách sạn hay nhà hàng cũng vậy…, tất cả đều phải hạ giá để đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sau thời gian dài chống chọi cũng đã kiệt sức, ngân sách bị bào mòn. Họ không còn đủ khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng với lãi suất cao. Chưa kể các ưu đãi về tiền điện, thuế… cũng đã chấm dứt. “Vậy thì họ lấy đâu ra nguồn lực để gồng gánh, chịu lỗ nếu phải bán giá thấp?”, ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt vấn đề.
Về nguyên nhân chủ quan, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp đánh giá du lịch VN chưa tận dụng được mức chi tiêu của du khách do hệ thống dịch vụ chưa phục hồi trở lại, đáp ứng nhu cầu của khách. Đặc biệt, ở mảng mua sắm, giải trí và ăn uống, đây là những yếu tố hút khách tiêu tiền nhiều nhất nhưng chưa được tái đầu tư để phục hồi kịp thời. Cụ thể, những tụ điểm mua sắm chưa được hình thành; những khu vui chơi giải trí thì cũng chỉ làng nhàng, nổi lên được cá biệt ở một vài địa phương; ẩm thực thì thực chất vẫn chưa có quy hoạch để khách có nhiều lựa chọn, chưa có ai đứng ra giới thiệu rõ ràng khu này khách có thể tới ăn đêm được, khu kia đảm bảo vệ sinh và không bị chặt chém… Nhiều hệ thống khách sạn 2 – 3 sao thậm chí thảm còn bốc mùi, trên trần thì mốc loang lổ, nhà vệ sinh cũng không còn sạch sẽ tinh tươm. Thiếu nhân sự, thiếu vốn khiến mọi dịch vụ không còn được chăm chút như trước.
“Muốn hệ thống lưu trú và dịch vụ thật sự trở lại, cần một dòng đầu tư mới để nâng cấp toàn bộ. Không phải trước dịch làm sao, giờ sau dịch có khách là bật đèn đứng dậy ngay được. Nhu cầu khách thay đổi, thời gian cũng đã khiến chất lượng dịch vụ bị bào mòn, thì phải có nguồn lực để điều chỉnh trở lại. Nhìn chung, tổng thể bức tranh ngành du lịch VN có phục hồi nhưng độ sẵn sàng để trở lại vẫn chưa theo kịp”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nói thẳng.
Do đó, việc nâng cấp cơ sở vật chất và cải thiện chất lượng dịch vụ là điều cấp thiết.