Trường học, nhất là các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, luôn là nơi tập trung đông người. Vì vậy, việc phòng cháy chữa cháy là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi các em học sinh nhỏ rất dễ hoảng loạn trước tình huống khẩn cấp như cháy nổ.
Thực trạng về phòng cháy chữa cháy trong trường học
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, cách phòng cháy chữa cháy trong trường học phải được chú trọng. Hiện nay, rất nhiều các trường học, cơ sở giáo dục, việc chấp hành các quy định phòng cháy, chữa cháy chưa thực sự được nghiêm túc. Đặc biệt, vẫn còn tồn tại rất nhiều trường không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động, nhất là trên các đường có mật độ dân cư và giao thông đông đúc.
Ngoài ra, khi kiểm tra cách phòng cháy chữa cháy tại một cơ sở mầm non tư thục tại quận Thanh Xuân, đoàn kiểm tra đánh giá, đơn vị này chưa được trang bị đầy đủ về phương tiện cũng như chưa thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy hiện có. Bên cạnh đó, việc bố trí lớp học tại các tầng 4, 5, 6 không bảo đảm an toàn theo quy định…
Ngoài ra, các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường là đội viên đội chữa cháy lại chưa được tập huấn những kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Còn có những trường học đã xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được nghiệm thu nhưng đã đưa vào sử dụng.
Nói về nguyên nhân gây ra cháy nổ, nguy cơ cháy nổ tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội đến từ các bếp ăn tập thể tại trường. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có hơn 50% số trường học hiện nay có bếp ăn bán trú. Đây chính là nguồn có thể xảy ra cháy nổ cao nếu như người vận hành không am hiểu, thiếu kỹ năng phòng cháy, chữa cháy.
Có thể thấy việc trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như các cách phòng cháy chữa cháy ở trường học, cơ sở giáo dục cần phải được triển khai và chú trọng hơn nữa, đảm bảo an toàn cho các em nhỏ.
Các biện pháp phòng cháy chữa cháy trong trường học
Dưới đây là một số những giải pháp chống cháy trong trường học mà nhà trường cần áp dụng:
- Thường xuyên chú ý tới hoạt động của học sinh, không để các em nghịch lửa hay những thiết bị điện gây cháy, nổ. Lồng kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy vào các bài giảng, nói chuyện về những việc không được làm và hướng dẫn các em cách thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
- Nhà trường có thể tổ chức các buổi tập huấn, dạy trẻ cách phòng cháy chữa cháy, các kỹ năng sinh tồn, cách sử dụng bình cứu hỏa hiệu quả. Ngoài ra, các bạn học sinh viên nên được thực hành diễn tập chữa cháy trong tình huống xảy ra hỏa hoạn ở hầm gửi xe, cách sơ cứu người bị nạn, cách sử dụng vòi phun nước cứu hỏa trong tình trạng khẩn cấp…
Các trường mầm non cần đặc biệt chú ý đến khu vực đun nấu. Khu vực này phải được bố trí tách biệt với khu vực học tập và nghỉ ngơi của học sinh. Trong quá trình đun nấu, người thực hiện phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, bố trí bình GAS và bếp phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,2m.
Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên kiểm tra bình GAS, hệ thống van, đường ống dẫn GAS và lắp đặt thiết bị báo rò rỉ khí GAS để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố hỏa hoạn.
- Lắp đặt các loại cửa chống cháy như cửa gỗ chống cháy, cửa thép ngăn cháy, v.v để bảo đảm an toàn cho tính mạng lẫn tài sản của học sinh và giáo viên phòng trường hợp hỏa hoạn
- Thường xuyên kiểm tra phát hiện định kỳ và khắc phục kịp thời những sơ hở thiếu sót của hệ thống điện như hỏng cách điện do va đập, kéo dãn cơ học, chuột cắn…
- Quản lý chặt chẽ các chất dễ gây cháy nổ, nguồn nhiệt, nguồn điện và đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy. Bố trí, sắp xếp các thiết bị cũng như đồ dùng dụng cụ gọn gàng, cách xa các nguồn lửa, nguồn nhiệt…
- Không để các chất dễ cháy như: mút xốp, giấy, bông, vải, sợi… gần các thiết bị, dụng cụ điện. Khi không sử dụng cần ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt.
- Đội ngũ cán bộ, giáo viên cần thường xuyên tập luyện nghiệp vụ chữa cháy, thực hành sử dụng trang bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ như xô, chậu, chăn, bình chữa cháy xách tay… để chủ động và xử lý kịp thời khi xảy ra cháy, nổ. Tích cực tham gia tập huấn sử dụng vòi phun, sử dụng bình chữa cháy, các phương tiện chữa cháy thông dụng khác để dập tắt đám cháy.
- Khi xảy ra hỏa hoạn, cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát PCCC theo số 114 đồng thời tổ chức việc thoát nạn, dùng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy.
An toàn phòng cháy chữa cháy trong trường học không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, từ thầy cô, học sinh đến phụ huynh, đều cần chung tay góp sức để tạo ra một môi trường học tập an toàn, đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ.